TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - Hội Điện ảnh Việt Nam
Loading...

7 DẤU HIỆU BẠN CÓ Ý TƯỞNG LÀM PHIM HAY

Trong công việc làm phim, rất khó để ta có thể biết được khi nào một ý tưởng thô sơ sẽ trở thành một ý tưởng đặc biệt và hay ho để đưa vào sản xuất. Nhưng sau đây là một số chỉ dấu để giúp bạn phát hiện ra các ý tưởng hay ho để làm phim.



1. Ý tưởng “bám dính”
Mặc dù “bám dính” có vẻ như là một tính từ lạ, sự bám dính của một ý tưởng là một trong những cách có khả năng thành công cao để biết ý tưởng của bạn có đáng theo đuổi hay không. Nếu ý tưởng câu chuyện bám dính, bạn sẽ không thể rũ bỏ nó. Ý tưởng này sẽ bám đuổi bạn, làm phiền não bộ của bạn khi bạn đang chuẩn bị nấu ăn và làm bất kỳ việc gì để kiếm sống. Các ý tưởng bám dính đòi hỏi sự chú ý. Chúng có yếu tố gì đó khiến chúng không rời đi, bất kể bạn thường xuyên cố gắng ngừng nghĩ về chúng như thế nào.

2. Độc nhất vô nhị
Giống như đa số những thứ trong cuộc sống, các ý tưởng câu chuyện đòi hỏi cần sự nghiên cứu. Trước khi bạn dành một khoảng thời gian để phát triển dự án, bạn phải biết ý tưởng này đã tồn tại chưa.

Trong suốt hơn 120 năm phát triển của điện ảnh, đã có vô vàng ý tưởng làm phim được ra đời. Bạn có thể cho rằng kể một phiên bản mới của phim Groundhog Day là ý tưởng tuyệt vời, nhưng lại không nhận ra phim Palm Springs đã chiếu trên nền tảng trực tuyến. Cả hai phim này đều thuộc thể loại tình cảm hài lấy ý tưởng về vòng lặp thời gian.

Tìm kiếm trên Google là đủ để cho bạn biết có một bộ phim có giống ý tưởng câu chuyện của bạn hay không. Nếu chưa thì chúc mừng, bạn cần bắt đầu phát triển ý tưởng này ngay.

3. Nguyên lý KISS
Nguyên lý KISS có thể được sử dụng thường xuyên trong các ngành kinh doanh và kỹ thuật, nhưng cũng có thể được ứng dụng với ý tưởng câu chuyện. Các biên kịch mới vào nghề thường có xu hướng chìm đắm trong công việc đến mức khi phải chào hàng câu chuyện (pitching), họ bị sa lầy vào việc mô tả chi tiết, kể lể những phần quá cụ thể của cốt truyện, và các thông tin không cần thiết nói chung.

Thông thường, những câu chuyện hay nhất đều có thể được giải thích bằng một hoặc hai câu. Bạn sẽ biết ý tưởng có sức nặng hay không nếu bạn có thể chắt lọc những phần cơ bản của câu chuyện xuống một câu duy nhất, hoặc tối đa là hai câu.

Tham khảo
4. Trả lời 5 câu hỏi W
Một cách để kiểm tra tính khả thi của ý tưởng cũng như bắt đầu phát triển câu chuyện là cố gắng trả lời 5 câu hỏi W: Ai (Who)? Cái gì (What)? Khi nào (When)? Ở đâu (Where)? Tại sao (Why)?

Các câu hỏi cơ bản này hướng đến các yếu tố cốt lõi trong kể chuyện – một nhân vật chính chủ động, một mục tiêu mạnh, và các cái giá phải trả. Nếu bạn không thể trả lời đầy đủ các câu hỏi này, bạn sẽ thiếu những yếu tố quan trọng nhất trong câu chuyện và cần phát triển thêm. Nhưng nếu có thể trả lời 5 câu hỏi W dễ dàng, ý tưởng câu chuyện của bạn là ý tưởng tốt.

5. Có yếu tố thu hút lạ
Nhà biên kịch được đề cử giải Oscar Terry Rossio (Shrek, Aladdin, Pirates of the Caribbean) tin rằng các kịch bản tự do (spec script - không được đặt hàng trực tiếp) phải có “yếu tố thu hút lạ” để được Hollywood chú ý.

Rossio cho rằng khái niệm concept cần phải vừa nguyên bản vừa độc đáo (lạ) và thuyết phục đối với khán giả. “Một yếu tố thu hút tốt phải gây sự tò mò, lôi cuốn con người”. “Các yếu tố hay nhất khám phá một chút về hiện trạng của con người, cụ thể, phổ quát, và (nếu có thể) thì chưa từng được thực hiện trước đó”. Tuy yếu tố thu hút lạ có vẻ khó nắm bắt và định nghĩa, nhưng đây là nguyên liệu cần thiết để kịch bản có thể được để ý ở Hollywood.

6. Kích thích sự tò mò của người khác
Bạn có thể không muốn chia sẻ ý tưởng với người khác khi chúng mới ra đời. Bản năng của người viết muốn bảo vệ ý tưởng và giấu nó trong đầu họ, không cho ai khác biết. Đây là điều ngược lại với những gì bạn nên làm để tìm hiểu xem ý tưởng có xứng đáng hay không.

Hãy chia sẻ các ý tưởng câu chuyện của bạn, ngay cả khi chúng chưa sẵn sàng ra mắt. Chào hàng (pitch) nhanh chóng với vài người bạn, bạn sẽ nhận được góp ý ngay lập tức từ phản ứng đầu tiên. Bài tập này còn là cơ hội để kiểm tra ý tưởng theo nguyên lý KISS. Nếu bạn thấy đang nói nhảm, nói lung tung khi chào ý tưởng hoặc mọi người phản ứng lạnh nhạt, bạn nên quay lại bàn và làm việc thêm về ý tưởng này.

Nhưng nếu họ cảm thấy tò mò, phấn khích, hoặc chỉ đơn giản là thấy hứng thú với tiền đề câu chuyện (premise), bạn biết rằng ý tưởng này xứng đáng theo đuổi.

7. Bạn yêu ý tưởng này
Cuối cùng, chỉ dấu tốt nhất về việc ý tưởng có xứng đáng theo đuổi hay không chính là cách BẠN, người viết, cảm nhận về nó. Trên tất cả, hãy tin vào bản năng của người mình. Nếu bạn muốn đọc câu chuyện, nếu bạn chắc chắn phải là người viết nó, nếu bạn yêu nó hơn bất kỳ thứ gì khác bạn đang làm việc cùng trong khoảnh khắc đó – đây là một chỉ dấu rõ ràng của ý tưởng hay. Niềm đam mê lớn đối với câu chuyện sẽ xâm nhập vào trang giấy và cho kịch bản yếu tố đặc biệt để làm bạn nổi bật. Chúng làm cho tim bạn đập khác đi, khiến tay bạn ngứa ngáy muốn bắt đầu viết – đây là những ý tưởng hay.

(Nguồn: Screencraft)

Tham khảo
0936157939 (HN) 0335505930 (TPHCM)