1. German Expressionism (1919–1926) (Tạm dịch: Chủ nghĩa biểu hiện Đức)
Trong thời gian Chiến tranh Thế giới thứ I nổ ra, chính phủ Đức đã ra lệnh cấm phát hành những bộ phim của nước ngoài, từ đó tạo nên nhu cầu sản xuất các bộ phim trong nước và vô tình sản sinh ra trào lưu phim ảnh được biết đến với cái tên German Expressionism. Đến giữa những năm 1930, Đức Quốc Xã cho rằng trào lưu điện ảnh này là thoái hóa và suy đồi, vì thế nhiều đạo diễn người Đức, trong đó có Fritz Lang (đạo diễn của phim Metropolis (1927)) phải thoát ly khỏi đất nước và đến Hollywood. Các tác phẩm điển hình thuộc trào lưu biểu hiện Đức phải kể đến như Nosferatu (1922) của đạo diễn F.W.Murnau, hay The Cabinet of Dr. Caligari (1920) của đạo diễn Robert Wiene. Đặc điểm của các bộ phim thuộc German Expressionism là việc sử dụng ánh sáng trong phim có độ tương phản lớn, các góc máy tạo cảm giác ấn tượng và các chủ đề về sự tàn ác, xấu xa của xã hội.
2. Surrealism (1924–1930) (Tạm dịch: Chủ nghĩa siêu thực)
Trào lưu điện ảnh The Surrealism có nguồn gốc từ thành phố Paris của nước Pháp vào những năm 1920 và đã thách thức các loại hình nghệ thuật truyền thống bằng việc sử dụng những hình ảnh gây sốc, kỳ lạ và không theo thói thường. Các nhà làm phim đã tạo nên dấu ấn của họ trong trào lưu này là Jean Renoir và Marcel Duchamp với các tác phẩm như La Fille de L’eau (1925, Jean Renoir) và Anémic Cinéma (1926, Marcel Duchamp dưới nghệ danh Rrose Sélavy).
3. Soviet Montage (1924–1933)
Trào lưu Soviet Montage bắt nguồn từ trường Điện ảnh của Liên Xô. Các bộ phim của trào lưu này thường không có các nhân vật trung tâm mà thay vào đó câu chuyện trong phim thường nói về một nhóm người hoặc một tầng lớp trong xã hội, giống như một bộ phim tài liệu. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra các tác phẩm trong trào lưu Soviet Montage bởi những kĩ thuật dựng phim độc đáo, đi trước thời đại được các nhà làm phim sử dụng như dựng phim chéo (overlapping edits), jump cuts và split screen (chia đôi màn hình). Người tiên phong trong trào lưu này là nhà làm phim Sergei Eisenstein dưới sự chỉ bảo của Lev Kuleshov. Các tác phẩm đã trở thành kinh điển phải kể đến như Battleship Potemkin (1925, đạo diễn Sergei Eisenstein) và Man With a Movie Camera (1929, đạo diễn Dziga Vertov).
4. Poetic Realism (1930–1939) (Tạm dịch: Thơ ca hiện thực)
Được bắt nguồn từ nước Pháp, trào lưu Poetic Realism sản sinh ra các bộ phim mà nội dung của chúng thường chứa đựng sự hoài niệm và tập trung vào những tình yêu không được trọn vẹn. Trào lưu này có ảnh hưởng rất lớn đến những trào lưu sau này như the Italian Neorealism (Tân hiện thực Ý) hay the French New Wave (Làn sóng mới Pháp). Đạo diễn Jean Renoir (nhà làm phim cũng thuộc phong trào Surrealism) là gương mặt nổi bật nhất trong trào lưu này với những tác phẩm như Les Bas-fonds (1936) hay La Grande Illusion (1937).
5. Italian Neorealism (1942–1951) (Tạm dịch: Tân hiện thực Ý)
Được đánh giá là một trong số những trào lưu gây ảnh hưởng lớn nhất đối với lịch sử điện ảnh thế giới, Italian Neorealism đánh dấu sự chuyển hướng khỏi phong cách làm phim truyền thống từ Hollywood (những bộ phim mà các nhân vật trong đó thường không giống với thực tế và kể một câu chuyện cụ thể) sang những nhân vật và câu chuyện sát với đời thực hơn. Chủ đề của những tác phẩm thuộc trào lưu Italian Neorealism chứa đựng sự mơ hồ về đạo đức, miêu tả chân thực về sự nghèo đói, thiếu hụt kinh tế và sự đồng cảm sâu sắc đối với các nhân vật trong phim. Những nhà làm phim thuộc trào lưu này như Federico Fellini hay Roberto Rossellin trở nên nổi tiếng. Các tác phẩm kinh điển được ra đời trong khoảng thời gian này có thể kể đến như Bicycle Thieves (1948) và Umberto D (1952) đều của đạo diễn Vittorio De Sica.
6. The French New Wave (1959–1964) (Tạm dịch: Làn sóng mới Pháp)
Trào lưu Làn sóng mới Pháp bắt đầu trở nên nổi tiếng từ cuối những năm 1950 tại thành phố Paris, thủ đô nước Pháp. Mục đích của trào lưu này là đưa quyền làm chủ tác phẩm hoàn toàn vào tay người đạo diễn, qua đó cho phép họ tránh khỏi tập trung quá mức vào việc kể một câu chuyện cụ thể mà thay vào đó là cách kể chuyện ngẫu hứng, theo chủ nghĩa hiện sinh. Các nhà làm phim của Làn sóng mới Pháp đã làm thay đổi nền điện ảnh của không những nước Pháp mà cả thế giới, mở đường cho những nhà làm phim độc lập. Các đạo diễn nổi tiếng như François Truffaut hay Jean-Luc Godard đã tạo nên những kiệt tác như The 400 Blows (1959, Truffaut) và Breathless (1960, Jean-Luc Godard) ở thời điểm đó.
7. British New Wave (1959–1963) (Tạm dịch: Làn sóng mới Anh)
Trào lưu Làn sóng mới Anh có nhiều điểm tương đồng về phong cách với trào lưu Làn sóng mới Pháp. Các tác phẩm thuộc trào lưu này được thực hiện theo một cách hết sức tự nhiên, phóng khoáng, bốc đồng, quay dưới dạng đen trắng và sử dụng những diễn viên không chuyên ở những địa điểm có thật, tập trung vào tầng lớp lao động và những sự khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Look Back in Anger (1959, Tony Richardson), A Taste of Honey (1961,Tony Richardson), và The Sporting Life (1963, Lindsay Anderson) là những bộ phim kinh điển của trào lưu này.
Tham khảo
8. Cinéma Vérite (1960s–hiện tại)
Thuật ngữ “cinéma vérité” (trong tiếng Pháp có nghĩa là “Điện ảnh chân thực”) được dùng để nói về trào lưu làm phim tài liệu bắt nguồn từ nước Pháp trong những năm 1960. Phong cách làm phim này liên quan đến việc dành nhiều ngày, nhiều tháng (hoặc hơn thế) hòa mình vào một cộng đồng, xây dựng niềm tin và đi theo nhân vật để khám phá về cuộc sống của họ. Những tác phẩm Cinéma Vérité đáng chú ý có thể kể đến như Grey Gardens (1975, Albert và David Maysles), Paris Is Burning (1990, Jennie Livingston), hay Hoop Dreams (1994, Steve James).
9. Third Cinema (1960s–1970s) (Tạm dịch: Điện ảnh thứ 3)
Trào lưu Third Cinema khởi nguồn từ các quốc gia Mỹ-Latinh như một sự chỉ trích, lên án đối với chủ nghĩa tư bản và nền công nghiệp điện ảnh ở Hollywood. Những phim ra đời từ trào lưu này như Blood of the Condor (1969, Jorge Sanjinés) and The Principal Enemy (1974, Jorge Sanjinés) tập trung vào việc phơi bày những chính sách độc hại của các quốc gia, làm nổi bật những gì mà tầng lớp lao động phải trải qua và cổ vũ người xem làm những hành động mang tính cách mạng.
10. New German Cinema (1962–1982) (Tạm dịch: Điện ảnh Đức mới)
Chịu ảnh hưởng lớn từ trào lưu French New Wave (Làn sóng mới của Pháp), các tác phẩm thuộc trào lưu New German Cinema là những bộ phim độc lập kinh phí thấp, coi trọng sự sáng tạo nghệ thuật hơn là thành công về mặt thương mại. Đạo diễn gạo cội Wim Wenders và Werner Herzog đã tạo nên tên tuổi của mình trong thời kì này với các tuyệt phẩm như Alice In the Cities (1974, Wim Wenders), The Tin Drum (1979, Volker Schlöndorff), và Fitzcarraldo (1982, Werner Herzog).
11. New Hollywood (1967– đầu những năm 1980) (Hollywood mới)
New Hollywood, còn được biết đến với tên gọi American New Wave (Làn sóng mới Mỹ), đưa quyền lực trong việc thực hiện các tác phẩm từ tay các studio đến tay người đạo diễn. Các bộ phim thuộc trào lưu này cho đến nay đều là những phim thuộc hàng kinh điển như Taxi Driver (1976, đạo diễn Martin Scorsese), The Graduate (1967, Mike Nichols), Easy Rider (1969, Dennis Hopper) đi theo hướng khác so với cách làm phim truyền thống bằng việc tạo ra câu chuyện không có kết thúc rõ ràng và không sử dụng cách kể chuyện theo tuyến tính. Các tượng đài như Martin Scorsese, Francis Ford Coppola và Terrence Malick đã rất thành công và vươn tầm trong giai đoạn này.
12. Cinéma Du Look (1980s–1990s) (Tạm dịch: Cái nhìn điện ảnh)
Trung tâm của trào lưu Cinéma du Look là các tác phẩm mang dấu ấn về phong cách và hình ảnh qua những câu chuyện về thanh thiếu niên nổi loạn. Đạo diễn nổi tiếng như Luc Besson và Leos Carax đã tạo ra các tẩm phẩm chứa những hình ảnh ấn tượng như Boy Meets Girl (1984, Leos Carax), Léon: The Professional (1994, Luc Besson) và La Femme Nikita (1990, Luc Besson).
13. Dogme 95 (1995–2005)
Trào lưu Dogme 95 được khởi xướng bởi đạo diễn người Đan Mạch Lars von Trier và Thomas Vinterberg như một sự đối kháng với hệ thống các studio phim. Các tác phẩm thuộc trào lưu Dogme 95 tập trung chủ yếu vào câu chuyện, các diễn viên, thủ pháp quay phim cầm tay, bối cảnh tự nhiên và từ chối hiệu ứng kỹ xảo và công nghệ làm phim hiện đại. Những bộ phim điển hình như The Idiots (1998, Lars von Trier) và The Celebration (1998, Thomas Vinterberg) đều tuân theo một danh sách các luật lệ hà khắc mà 2 nhà làm phim nêu trên đưa ra.
Tham khảo