TRUNG TÂM HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN TÀI NĂNG ĐIỆN ẢNH - Hội Điện ảnh Việt Nam
Loading...

QUY TRÌNH LÀM PHIM NGẮN - NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

Phim ngắn là thể loại phim mà thời lượng của chúng không đủ dài để trở thành phim truyện điện ảnh chiếu rạp (feature film). Chúng thường kéo dài trong ít hơn 40 phút hoặc thậm chí chỉ trong 30 giây. Ở một số liên hoan phim, phim ngắn đủ điều kiện tham gia thường phải có thời lượng ngắn hơn 15 phút.



Làm phim ngắn là một cách tích lũy kinh nghiệm thực tế để bạn có thể làm phim dài và tham gia vào ngành công nghiệp điện ảnh. Trong nhiều trường hợp, từ một phim ngắn, ta có thể phát triển thành phim truyện điện ảnh. Ví dụ như Whiplash (2013) của Damien Chazelle, với sự tham gia diễn xuất của J.K. Simmons.

Sau đây là một vài thứ rất rất cơ bản bạn cần phải có:
1. Một chiếc máy quay phim tốt
Bạn có thể dùng một chiếc máy ảnh có chức năng quay như dòng DSLR, Mirrorless, tuy nhiên hiện nay những chiếc điện thoại như Iphone cũng có thể ghi hình tương đối tốt. Nếu muốn đảm bảo việc chất lượng hình ảnh tốt hơn và kinh phí cho phép, bạn nên sử dụng dòng máy RED hoặc các dòng máy cao cấp khác. Tất nhiên, chỉ khi bạn có điều kiện về tài chính, khi đã có kinh nghiệm làm phim trước đó, vì chi phí thuê rất đắt, mất thời gian set-up, đội ngũ vận hành đông và cần chuyên nghiệp hơn. Còn nếu bạn chưa làm phim bao giờ, mới làm phim đầu tay, bạn nên cân nhắc kĩ việc sử dụng các dòng máy đắt tiền.

2. Máy tính với phần mềm dựng phim (có bản quyền)
Nếu bạn sử dụng dòng máy của Apple, bạn nên sử dụng IMovie (nếu bạn mới bước chân vào nghề) hoặc Final Cut Pro (nếu bạn đã có kinh nghiệm). Tương tự nếu bạn dùng Window, Windows Movie Maker, CapCut là một phần mềm hợp lý cho người mới và Adobe Premiere hoặc DaVinci Resolve dành cho người đã dựng phim từ trước.

3. Kịch bản phim
Kịch bản có thể do bạn tự viết ra hoặc lấy từ nguồn khác. Kịch bản là yếu tố đầu tiên và quyết định để bộ phim có hay hay không. Một kịch bản hay thì phim nhiều khả năng sẽ hay. Một kịch bản tồi thì chắc chắn phim sẽ không hay.

4. Đoàn làm phim
Bạn có thể tự mình hoàn thành bộ phim, làm từ A đến Z các công việc. Tuy nhiên, làm phim về bản chất vẫn là một công việc đòi hỏi sự cộng tác giữa nhiều người. Hãy tìm nhân sự có kinh nghiệm hoặc rủ bạn bè của mình tham gia vào dự án, tùy vào qui mô và tính chất.

5. Diễn viên
Tất nhiên rồi.

Tham khảo 
GIAI ĐOẠN TIỀN KỲ
Khi bắt đầu dự án, hẳn bạn mong muốn được vác máy quay và bắt đầu ghi hình ngay lập tức. Nhưng mỗi khi bạn có ý nghĩ đó, hãy nhớ đến câu “Mỗi một đồng trong giai đoạn tiền kỳ sẽ giúp bạn tiết kiệm được gấp 3 lần trong giai đoạn hậu kỳ.”

Trước khi bấm máy, bạn cần chuẩn bị một kịch bản, tập hợp đủ kinh phí và tuyển diễn viên cùng với các thành viên trong đoàn làm phim. Nếu đây là tác phẩm đầu tiên của bạn, cố gắng kiểm soát độ dài phim trong khoảng 5 đến 6 phút. Bạn có thể tăng thêm thời lượng của các dự án tiếp theo khi bạn đã có kinh nghiệm hơn.

1. Kịch bản
Kịch bản là yếu tố quan trọng nhất của một dự án phim. Nó là tiền đề cho mọi thứ, từ số lượng diễn viên, thiết bị kỹ thuật, cho đến bối cảnh của phim.

Có 2 cách để bạn có được một kịch bản
Cách 1: Tự mình viết lấy
Xây dựng một kịch bản phim từ đầu là một công việc không hề đơn giản vì không phải ai cũng có khả năng viết. Tuy nhiên, vì bạn đang làm phim ngắn, mọi điều sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Cấu trúc của kịch bản phim ngắn thông thường sẽ tuân theo quy tắc 3 hồi là mở, thân và kết.

Một tác phẩm có thời lượng 10 phút sẽ có kịch bản dài khoảng 7-8 trang giấy A4. Nếu bạn muốn tự viết lấy kịch bản của mình, sau đây là một vài gợi ý để giúp bạn thực hiện điều đó:
- Sắp xếp các ý tưởng một cách rõ ràng: Đừng cố gắng nhồi nhét quá nhiều ý tưởng vào vì chúng sẽ làm cho câu chuyện bị rối rắm, khó có thể thực hiện trong 1 phim ngắn.
- Giữ mọi thứ đơn giản: Việc ghi hình ở nhiều bối cảnh khác nhau có thể trở nên rất tốn kém và phức tạp, bạn nên giảm thiểu tối đa số lượng các địa điểm trong câu chuyện.
- Chau chuốt kịch bản: Bạn có thể làm một bộ phim tồi từ một kịch bản hay, chứ không thể làm một bộ phim hay từ một kịch bản tồi. Hãy sửa chữa và viết lại kịch bản cho đến khi tất cả các cảnh quay đều có ý nghĩa, góp phần vào câu chuyện chung.
- Dùng hình ảnh thay vì hội thoại: Hãy ưu tiên sử dụng hình ảnh và các hình tượng thay vì hội thoại.
- Nhịp độ nhanh: Đừng để nhịp phim của bạn chậm như một bộ phim điện ảnh dài, mọi thứ trong phim ngắn cần được diễn ra nhanh chóng.

Cách 2: Mượn / mua kịch bản
Đây là một cách nhanh chóng nếu bạn không muốn viết lách. Nếu bạn có ý định kiếm tiền từ tác phẩm của mình, bạn nên liên hệ với người sở hữu kịch bản, tìm tới các bạn biên kịch để xin sự đồng ý của họ.

2. Vẽ storyboard
Storyboard là các hình vẽ miêu tả từng cảnh quay của phim như miêu tả trong kịch bản. Chúng tương tự như một quyển truyện tranh vậy.

Nếu bạn không giỏi vẽ cũng không phải vấn đề gì lớn. Bạn có thể vẽ người que để đại diện cho nhân vật và có hình đơn giản để miêu tả các vật thể khác trong khung hình. Storyboard không cần phải là một tác phẩm nghệ thuật mà chúng chỉ đơn giản là một công cụ hình ảnh để bạn tham khảo trong quá trình quay.

3. Tuyển diễn viên và tìm các thành viên khác trong đoàn
Trước khi casting diễn viên cho phim, trước hết bạn phải tuyển thành viên quan trọng trong đoàn như Sản xuất (nên làm chung ngay từ khi có ý tưởng), Trợ lý đạo diễn số 1 (1st AD), Đạo diễn hình ảnh, Dựng phim (hoặc bạn có thể tự dựng) và Người làm âm thanh.

Tùy thuộc vào kinh phí của dự án, bạn có thể tuyển những người chuyên nghiệp, bán chuyên thậm chí là không chuyên cho mỗi chức vụ hoặc tự mình đảm nhiệm. Khi bạn đã có được đoàn phim của mình, hãy kêu gọi tuyển diễn viên và tổ chức các buổi thử vai. Giao các vai diễn cho những người thân trong gia đình hoặc bạn bè là một cách tiết kiệm chi phí cho việc làm phim ngắn, tuy nhiên điều này cũng có mặt hạn chế.

3. Khảo sát bối cảnh
Đạo diễn, sản xuất và đạo diễn hình ảnh sẽ phải tìm kiếm những địa điểm có tiềm năng để làm bối cảnh cho tác phẩm. Trong quá trình khảo sát, bạn cần quyết định xem bối cảnh có phù hợp để quay phim hay không và lường trước những trục trặc về ánh sáng hoặc âm thanh có thể xảy ra nếu bạn ghi hình tại đó.

Trong giai đoạn này bạn cần họp đoàn, test thử kỹ thuật, tập diễn, làm shotlist, lịch quay, xin phép bối cảnh…

GIAI ĐOẠN HẬU KỲ
Sau khi bộ phim đóng máy, chúng ta sẽ bước sang giai đoạn dựng phim, bổ sung thêm vào các hiệu ứng âm thanh, âm nhạc, lời dẫn chuyện (nếu cần) và kỹ xảo, hiệu ứng hình ảnh; và cuối cùng là Bản phim cuối (Final Cut).

Bắt đầu dựng phim (Lần 1)
Để dựng bản phim đầu tiên, trước khi tiến hành làm việc, bạn cần:
- Sắp xếp các nháp phim vào các folder (mục) để tránh việc rối loạn trong quá trình dựng.
- Hãy đặt các cảnh quay theo thứ tự một cách đơn giản nhất để xem bộ phim sẽ diễn ra như thế nào.

Âm nhạc / Hiệu ứng âm thanh
Sau khi các cảnh quay đã được sắp xếp chuẩn theo câu chuyện của bạn, đây là lúc mà bạn thêm âm nhạc vào hiệu ứng âm thanh vào bản dựng. Một điều quan trọng mà bạn cần nhớ là tách riêng đường hình và đường tiếng của bản dựng để bạn có thể điều chỉnh lại tiếng động và lời thoại mà không làm ảnh hưởng đến các thứ còn lại.

Dựng lại phim (Lần 2 hoặc nhiền hơn)
Sau khi bản dựng đầu tiên với hình ảnh và âm thanh đã hoàn thành (nó sẽ cho bạn hình dung được bộ phim sẽ ra sao), hãy cùng xem lại nó với các thành viên trong đoàn hoặc những người thân quen để lấy ý kiến đánh giá của họ. Lược bớt những cảnh quay không cần thiết. Bạn cũng có thể thêm vào các hiệu ứng chuyển cảnh để mạch phim trở nên mượt mà hơn.
Chỉnh màu cho phim: Chỉnh màu sẽ giúp bộ phim của bạn trở nên chuyên nghiệp hơn. Bạn nên dành một khoản kinh phí cho hạng mục này.

Về đích
Sau khi bản dựng lần thứ n đã hoàn thành, cùng xem lại một lần nữa với mọi người và kiểm tra xem mọi ý kiến từ lần đầu tiên đã được thực hiện hay chưa. Thu nhận ý kiến của từng người một lần cuối và thực hiện các chỉnh sửa còn thiếu nếu cần.

Tham khảo 
0936157939 (HN) 0335505930 (TPHCM)